Kiến thức chuyên ngành -M&A

TOP Xu hướng M&A Việt Nam năm 2024: Chuẩn Bị Cho Làn Sóng Mới

04/06/2024 - Đăng bởi : ICMA

Sau năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm trong các thương vụ M&A do bất ổn địa chính trị toàn cầu và suy thoái kinh tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường M&A sẽ được thúc đẩy bởi một số yếu tố và sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới bắt đầu từ năm 2024. Thị trường M&A đang chuẩn bị cho sự gia tăng cùng với các xu hướng mới nổi trong năm 2024 và những năm sắp tới.

Sự sụt giảm trong năm 2023
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, tổng giá trị giao dịch M&A toàn cầu năm 2023 đạt mức 2,7 nghìn tỷ, giảm 25% so với cùng kỳ. Còn ở Việt Nam, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số thương vụ M&A tính đến tháng 11/2023 giảm 16,8% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn trước sự biến động khó lường của các điều kiện kinh tế vĩ mô, sự sụt giảm nhu cầu của nền kinh tế cùng với lạm phát toàn cầu gia tăng.
Thị trường M&A Việt Nam chứng kiến xu hướng giảm hệ số định giá, giảm từ 16,5 lần năm 2021 xuống chỉ còn 11,5 lần vào năm 2023. Ngoài ra, hệ số định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn ở mức 11,0 lần cho P/E và 1,7 lần cho P/B, mức thấp nhất kể từ năm 2011

Triển vọng thị trường M&A 2024
Năm 2024 đang được xem là một năm thuận lợi và dự báo có sự gia tăng đột biến của thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam. Ngay từ đầu năm, một số công ty đã đạt được các thỏa thuận sớm, trong khi một số công ty khác công bố ý định thực hiện điều này. Ngày 9/2, CTCP Xây dựng Coteccons, niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã CTD, công bố hoàn tất thủ tục mua lại 100% vốn góp của hai công ty là Công ty TNHH Kim loại Sinh Nam Metal và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam. Ngày 22/01, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cho biết đã hoàn tất thương vụ nhận chuyển nhượng 99,9% vốn điều lệ của CTCP Chăn nuôi CNC Thành Đạt Gia Lai. DIC Corp (HoSE: DIG) cho biết có kế hoạch mua 1,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bán buôn thiết bị gia dụng Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại Thiên Quang, tương đương 35,5% cổ phần.

Động lực chính duy trì sự tăng trưởng của thị trường M&A Việt Nam gồm có:
          1) Thị trường tiêu dùng nội địa ngày càng mở rộng
          2) Sự trỗi dậy của các ngành sản xuất và xuất khẩu cùng với chương trình đầu tư công của chính phủ đang thúc đẩy kinh tế
          3) Nguồn vốn tích lũy: trong thời gian tới, giao dịch M&A sẽ được hỗ trợ bởi nguồn vốn tích lũy dồi dào được nắm giữ bởi các quỹ tài sản, các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) cũng như một số Tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh mẽ; 
         4) Sự kỳ vọng về giá: Sự chênh lệch về mức giá kỳ vọng của người mua và người bán là rào cản cho giao dịch trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sau bước đầu thận trọng trước những biến động của các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả như mức độ lạm phát, chi phí tài chính và các yếu tố không chắc chắn…, người bán và người mua trên thị trường đang dần chấp nhận những yếu tố bình thường mới này và do đó, dự báo khoảng cách giữa kỳ vọng của người bán và người mua sẽ thu hẹp lại.

Có sự khác biệt lớn trên thị trường M&A Việt Nam hiện nay so với 3 năm trước đây đó là. Nếu như 3 năm trước đây, nhà đầu tư trong nước thống trị thị trường M&A Việt Nam, thì trong năm 2023, xét về giá trị thương vụ, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang áp đảo với 5 vị trí dẫn đầu trong đó Nhật Bản, Singapore và Mỹ tham gia tích cực nhất với 70% tổng giá trị được báo cáo.

Những lĩnh vực nhiều triển vọng trong M&A
o Công nghệ: Bất chấp những thách thức về tái cơ cấu và huy động vốn trong các công ty công nghệ, thị trường vẫn dự báo về tiềm năng mạnh mẽ trong lĩnh vực này trong giai đoạn sắp tới. Công nghệ xanh, các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp tục cho thấy những bước phát triển đầy hứa hẹn ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
o Chăm sóc sức khỏe: Chăm sóc sức khỏe vẫn là một trong những ngành có hoạt động M&A sôi nổi trong quá khứ và dự báo trong giai đoạn sắp tới. Nếu như năm 2022 và 2021, giá trị giao dịch là 380 triệu đô thì trong năm 2023 tổng giá trị giao dịch được công bố trong lĩnh vực này là 434 triệu USD. Nguyên nhân chính các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam đó là có lợi thế về nhân công rẻ và chi phí về sản xuất thấp. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất dược hàng đầu, với mục tiêu xuất khẩu đạt 1 tỷ đô vào năm 2030.
o Logistic: Ngành logistics Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 15-20% trong thời gian tới, chủ yếu được thúc đẩy bởi (i) Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, (ii) Lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử đang phát triển và (iii) Chính sách thuận lợi của Chính phủ.
o Năng lượng đặc biệt là năng lượng xanh: Chủ trương lớn về chuyển đổi xanh của chính phủ Việt Nam với việc cam kết đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 trong đó có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo có thể tạo ra một thị trường M&A phát triển mạnh trong những năm tới.
o Các dịch vụ tài chính: Dịch vụ tài chính chưa bao giờ là lĩnh vực hết hot trên thị trường M&A nhờ nền kinh tế tăng trưởng và tương đối ổn định, cộng đồng doanh nghiệp năng động và lượng người tiêu dùng ngày càng tăng. Năm 2023, Ngân hàng SMBC đã đầu tư 1,5 tỷ đô vào VPBank, đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngân hàng Việt Nam và đưa VPBank trở thành ngân hàng lớn thứ hai về vốn chủ sở hữu chỉ sau Vietcombank.

Những xu hướng mới nổi
Sự thay đổi về cấu trúc và quy trình giao dịch: Các nhà đầu tư (người mua) đang ngày càng ưa chuộng các cấu trúc và quy trình giao dịch dài hơn nhưng an toàn hơn trong đó một phần giá mua phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu như một hình thức giảm thiểu rủi ro trong môi trường kinh tế bất ổn.

Rủi ro về khả năng thích ứng sự thay đổi công nghệ trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định mua lại: Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được các nhà quản lý và nhà đầu tư chú trọng bao gồm cả khía cạnh cơ hợi và đe dọa. Các nhà đầu tư đều nhấn mạnh rằng việc đánh giá chi tiết các rủi ro công nghệ bao gồm AI là cốt lõi trong quá trình giao dịch của họ.

Yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG): Khẩu vị của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây có sự thay đổi mạnh mẽ khi xem yếu tố ESG không còn là yếu tố phụ cộng thêm mà là yếu tố quan trọng của bất kỳ khoản đầu tư nào. Việc nhận dạng các rủi ro liên quan đến ESG và các chiến lược nhằm giảm thiểu những rủi ro và gia tăng giá trị từ ESG đang được xem xét ngày một kỹ lưỡng hơn trong các giao dịch M&A
 
Bên bán và bên mua cần chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng mới
Để sẵn sàng cho làn sóng giao dịch vào năm 2024, các chủ doanh nghiệp có thể thực hiện các bước quan trọng ngay từ bây giờ:

Đánh giá lại các cơ hội và cập nhật lại chiến lược đầu tư trong bối cảnh mới;

Xem xét thay đổi phạm vi M&A để giảm thiểu rủi ro địa chính trị đang gia tăng. Ví dụ: Tập trung nội địa hóa – nơi có điều kiện ổn định thay vì mở rộng khu vực địa lý, nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực có triển vọng thị trường mạnh mẽ hơn, tập trung mở rộng theo chiều dọc nhằm gia tăng hiệu quả chuỗi cung ứng…

Thiết lập những tiêu chuẩn cao hơn cho việc tạo ra giá trị nhằm bù đắp cho chi phí vốn có xu hướng cao hơn trong tương lai, chuyển sự tập trung tạo giá trị gia tăng từ sự kết hợp mang tính tổ hợp sang tạo giá trị gia tăng từ sự kết hợp có tính chuyển hóa;

Xem xét các thỏa thuận tài trợ mới và linh hoạt để thay thế cho khả năng tài trợ bằng nợ vay đang giảm sút;

Sử dụng các cấu trúc giao dịch thay thế để giảm rủi ro giao dịch, ví dụ như các khoản thanh toán mua lại theo mốc quan trọng;

Đối với doanh nghiệp đang có kế hoạch bán lại, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động trong kế hoạch thoái vốn, định giá doanh nghiệp ở mức hợp lý, loại bỏ yếu tố biến động bất thường do chu kỳ kinh tế, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác có tính chiến lược nhằm tạo ra giá trị kết hợp bền vững, dài hạn thay vì chỉ xem M&A là giải pháp tài chính có tính chất ngắn hạn.

Người bán cũng cần phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho các yêu cầu ngày càng cao hơn từ phía người mua bao gồm các chiến lược ứng phó với sự thay đổi công nghệ mới, rủi ro từ ESG, khả năng mở rộng các cơ hội mới cũng như chuẩn bị sẵn các kịch bản đàm phán với những cấu trúc và quy trình giao dịch dài hơn với sự giám sát chặt chẽ của nhà đầu tư.
 

Đối tác

Back to top