18/06/2024 - Đăng bởi : ICMA
Sáp nhập và mua lại (M&A) là giao dịch phức tạp, có thể có những tác động đáng kể đến nhiều bên liên quan khác nhau, chẳng hạn như cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, cơ quan quản lý và đối thủ cạnh tranh. Để một thương vụ M&A đi đến kết quả tốt đẹp cho cả bên mua và bên bán, cần thiết phải đánh giá một cách cẩn thận tác động của M&A đối với các nhóm này, cả về mặt tạo ra giá trị và quản lý rủi ro. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thảo luận về một số khía cạnh và cách thức tác động của M&A đến hai chủ thể quan trọng bên trong doanh nghiệp là cổ đông và nhân sự của công ty. Từ đó giúp chủ doanh nghiệp có thể xây dựng một “framework” để đánh giá tác động của M&A đối với hai chủ thể này. Bài viết này sẽ đề cập đến khía cạnh từ phía cổ đông của doanh nghiệp.
1. Tác động đến giá trị nội tại
Một trong những mục tiêu chính của M&A là tạo ra giá trị cho cổ đông. Giá trị cho cổ đông ở đây được hiểu là giá trị tăng thêm giữa giá trị thị trường của chủ thể được kết hợp và tổng giá trị thị trường của các chủ thể riêng lẻ trước khi giao dịch. Để đo lường giá trị cổ đông, chủ doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều số liệu khác nhau, chẳng hạn như thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC), dòng tiền tự do (FCF) và sự cộng hưởng. Sự cộng hưởng là những lợi ích tiềm năng của việc kết hợp hai hoặc nhiều hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như tiết kiệm chi phí, tăng trưởng doanh thu hoặc cải thiện hiệu quả. Bên cạnh đó, có thể ước tính sự cộng hưởng bằng cách phân tích các nguồn tạo nên giá trị cộng hưởng, động lực và thời gian của những lợi ích mong đợi cũng như chi phí và rủi ro để đạt được chúng.
2. Tác động đến giá cổ phiếu
Tác động của M&A lên giá cổ phiếu thay đổi theo từng tình huống nhất định. Nó phụ thuộc vào chi tiết cụ thể của thỏa thuận và cách đánh giá của thị trường đối với giá trị giao dịch.
Tác động đến cổ phiếu công ty Mục tiêu
Giá trị giao dịch trong thương vụ M& thường bao gồm một khoản phí mà bên mua phải trả cho bên bán gọi là phí thặng dư (premium). Công ty mua lại phải trả phí này cho việc xây dựng công ty từ đầu nên giá cổ phiếu của công ty mục tiêu thường có xu hướng tăng do phí primium nhận được từ công ty mua lại.
Tác động đến cổ phiếu công ty Mua lại
Tác động của M&A đối với giá cổ phiếu của Công ty Mua lại khác với tác động của công ty Mục tiêu. Giá cổ phiếu của công ty mua lại có xu hướng giảm khi công ty mua lại phải trả phí premium cho công ty mục tiêu. Trong một vài trường hợp, việc mua lại được tài tài trợ bằng một khoản vay, dẫn đến gánh nặng nợ nần cho công ty mua lại. Tuy nhiên, nếu việc mua lại được thị trường nhìn nhận là phù hợp, và tiềm năng tạo ra sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai thì giá cổ phiếu sẽ có tác động tích cực và tăng lên.
3. Tác động đến quyền biểu quyết của cổ đông
Các thương vụ M&A thường đi kèm với các điều kiện về quyền tham gia hội đồng quản trị của bên mua. Đôi khi điều này có thể dẫn đến tranh chấp giữa cổ đông là công ty Mua lại và các cổ đông công ty Mục tiêu. Để giảm thiểu rủi ro này, cần phải truyền đạt lợi ích của việc mua bán và sáp nhập và đảm bảo rằng mọi cổ đông đều hiểu quyền của họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
4. Tác động đến quyền quản trị doanh nghiệp
Dựa trên các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận, các công ty đàm phán M&A cũng cùng nhau quyết định ai sẽ lãnh đạo công ty cũng như cách thức hợp nhất giữa ban giám đốc, đội ngũ quản lý và hoạt động kinh doanh trong trường hợp sáp nhập. Đôi khi, quyền điều hành công ty là động lực của việc mua bán sáp nhập và cách phân chia quyền điều hành sẽ ảnh hưởng đến các điều khoản tài chính của thỏa thuận.