Kiến thức chuyên ngành -M&A

Hố Sâu Pháp Lý Trong M&A: Nơi Chôn Vùi Những Thương Vụ Tỷ Đô

11/06/2024 - Đăng bởi : ICMA

HỐ SÂU PHÁP LÝ TRONG M&A:
NƠI CHÔN VÙI NHỮNG THƯƠNG VỤ TỶ ĐÔ

Thế giới M&A đầy rẫy những vụ thỏa thuận đình đám, mang lại lợi nhuận khổng lồ và giá trị cộng hưởng hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vang dội, cũng tồn tại vô số “hố sâu” pháp lý mà nếu không cẩn trọng, hoặc chỉ cần xảy ra một vài sai sót nhỏ cũng khiến các thương vụ M&A có thể sụp đổ chỉ trong chớp mắt dù chỉ cách cột mốc thành công không còn xa. Những “hố sâu” pháp lý trong M&A không chỉ giới hạn ở những thương vụ lớn. Ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể đối mặt với những rủi ro pháp lý nghiêm trọng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

 

1. Rủi Ro Về Thuế: Bẫy Ẩn Trong Số Liệu
Một trong những vấn đề phổ biến nhất trong M&A là rủi ro thuế. Điển hình như trường hợp của Hewlett-Packard (HP) - một công ty công nghệ cao từ Mỹ khi sáp nhập với Autonomy - một công ty khởi nghiệp ở Châu Âu chuyên về phần mềm phân tích dữ liệu và công nghệ tìm kiếm vào năm 2011. Bất chấp sự thẩm định kỹ lưỡng, họ đã bỏ qua một khoản thuế lớn từ việc chuyển giao tài sản trí tuệ, dẫn đến HP sau đó đã ghi giảm 8,8 tỷ USD giá trị của Autonomy . Sự thay đổi trong các quy định về thuế do Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Sở Thuế vụ Hoa Kỳ ban hành vào năm 2016 nhằm chấm dứt “Tax Inversions - Đảo ngược thuế” đã là một trong những yếu tố khiến gã khổng lồ dược phẩm Pfizer dàn xếp hơn 400 triệu USD để từ bỏ thỏa thuận chào mua Allergan với giá hơn 150 tỷ USD ngay cả khi họ đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. Tax inversion là một chiến lược tài chính được các công ty sử dụng để giảm thuế bằng cách di chuyển trụ sở hoạt động từ một quốc gia có thuế cao đến một quốc gia có thuế thấp hơn. Điều này thường được thực hiện thông qua việc mua lại hoặc sáp nhập với một công ty có trụ sở ở quốc gia có thuế thấp và chuyển trụ sở hoạt động tới đó, dù các hoạt động thực tế vẫn diễn ra ở nơi khác. Tuy nhiên, các biện pháp pháp lý và chính sách thuế đã được thiết lập vào cuối năm 2016 để ngăn chặn và chấm dứt các trường hợp tax inversion. Các biện pháp này có thể bao gồm việc áp đặt các quy định pháp lý mới để cản trở việc chuyển trụ sở hoạt động, hoặc tăng cường kiểm soát và điều chỉnh các giao dịch sáp nhập và mua lại. Được biết, ban đầu Pfizer có ý định chuyển trụ sở chính hiện có tại Hoa Kỳ sang Ireland, nơi Allergan đặt trụ sở chính để hưởng lợi từ mức thuế doanh nghiệp thấp hơn đáng kể. Theo thống kê từ tạp chí Legal Affairs, hơn 40% các thương vụ M&A gặp phải vấn đề về thuế không được dự báo trước, gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích kinh tế của các bên liên quan. Đặc biệt tại Việt Nam, những quy định thuế chồng chéo không chỉ gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là rào cản rất lớn cho các chủ doanh nghiệp “ gia đình” hoàn tất thương vụ M&A, điều mà cần tới sự tư vấn xử lý của các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm.


2. Thất Bại Trong Due Diligence: Khi Số Liệu Thật Không Đủ
Due diligence là quá trình nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định mua bán. Bỏ qua bất kỳ khía cạnh nào trong quá trình này có thể dẫn đến phát hiện muộn màng về các vấn đề pháp lý, từ bản quyền, thuế đến các vấn đề về thẩm định hoạt động hiện hành. Tuy nhiên, không ít trường hợp, dù đã sử dụng các số liệu thật, các doanh nghiệp vẫn không thể lường trước được tất cả các rủi ro. bài học đắt giá từ thương vụ AOL mua lại Time Warner cũng là minh chứng rõ ràng khi thương vụ này không chỉ diễn ra trong thời kỳ bùng nổ dot-com mà những thách thức tiềm ẩn đáng kể trong khâu quá trình thẩm định về văn hóa (Cultural Due Diligence) khó có thể phát hiện được đã dẫn đến khoảng lỗ khổng lồ lên đến 99 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy hai năm. Chính những rủi ro tiềm ẩn trong khâu DD này cũng là một trong những quan ngại rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nơi thị trường đang phát triển và phần lớn là những công ty gia đình thiếu sự minh bạch trong số liệu sổ sách. Do đó, chỉ một sai sót nhỏ, hoặc những sự bất cẩn trong số liệu có thể dẫn tới sự “ tháo chạy” của các nhà đẩu từ trong khi thành công của thương vụ đã cận kề.


3. Hồ Sơ Pháp Lý: Yếu Tố Tạo Nên Sự Đồng Thuận
Thiếu hiểu biết về các điều khoản pháp lý cơ bản như NDA, LOI, và SHA có thể dẫn đến những hiểu lầm và tranh cãi không đáng có. Mỗi thương vụ M&A đều bắt đầu bằng việc ký kết NDA. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về cách thức bảo vệ thông tin nhạy cảm có thể dẫn tới lộ lọt thông tin và mất lợi thế cạnh tranh. Trong một thương vụ giữa hai công ty, sự thiếu rõ ràng trong các điều khoản của LOI cũng sẽ dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài, làm suy yếu lòng tin giữa các bên và dẫn đến thất bại cho thương vụ. Trong năm 2020, khi WHAUP tiến hành mua lại 34% cổ phần của Công ty Nước mặt Sông Đuống, vì không thực hiện được những điều khoản đã quy định trong hợp đồng SPA giữa hai bên, WHAUP đã kiện Aqua One khi họ không thực hiện nghĩa vụ mua lại cổ phần như đã cam kết trong SPA. Việc không lường trước được hậu quả của những điều khoản trong hợp đồng này đã khiến Aqua One đứng trước nguy cơ thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thống kê cũng cho thấy, khoảng 25% các thương vụ M&A bị hủy bỏ do các bên không thể thống nhất được các điều khoản trong SHA. Việc tự quyết định các điều khoản trong hợp đồng mà thiếu sự tham vấn từ đội ngũ chuyên môn cũng đã dẫn đến những rủi ro không đáng có trong quá trình M&A. Điển hình tại Việt Nam có thể kể đến thương vụ Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý, đầu tư 32,5 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) để mua 33,77% cổ phần công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm Ba Huân. Những tranh chấp và cả sự “ thiếu lượng trước” trong ràng buộc của các điều khoản thỏa thuận cổ đông đã dẫn tới những tranh chấp pháp lý gây thiệt hại lớn. Hiện nay nhiều DN cũng biết chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn không cao nhưng bất cập tới từ việc nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa có thói quen sử dụng tư vấn để soạn thảo và rà soát hợp đồng. Điều này rất cần phải thay đổi vì Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp Việt nam cần tự bảo vệ mình chính một cách chặt chẽ ngay từ những bước hợp tác đầu tiên.

Những thất bại trong M&A cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu biết và chuẩn bị pháp lý. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào quá trình tư vấn pháp lý, đào tạo nội bộ về các vấn đề pháp lý, và áp dụng một cách tiếp cận toàn diện trong due diligence để tránh rơi vào bẫy pháp lý, qua đó tăng cường khả năng thành công của các thương vụ M&A. Các bài học từ những thất bại này không chỉ là lời cảnh tỉnh mà còn là kim chỉ nam cho những ai đang tìm kiếm cơ hội trong thế giới phức tạp của M&A.

Đối tác

Back to top